Thầy/cô cho em hỏi ngành Luật Thương mại Quốc tế có gì khác với ngành Luật nói chung, sau khi tốt nghiệp ngành này em có thể làm việc tại những vị trí nào?
Trả lời: Nếu như chương trình đào tạo của ngành Luật được xây dựng nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức chung và tập trung vào các lĩnh vực pháp luật (thương mại, dân sự, quốc tế, hình sự và hành chính) thì Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế trình độ đại học được xây dựng nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức pháp luật thương mại quốc tế, kỹ năng làm việc và trình độ ngoại ngữ cần thiết cho công việc tư vấn, kinh doanh và quản lý Nhà nước. Khối kiến thức và kỹ năng có được từ quá trình học chương trình đào tạo này sẽ là nền tảng nghề nghiệp cho những người công tác trong môi trường đầu tư, kinh doanh, dịch vụ pháp lý có yếu tố nước ngoài cũng như tại các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tư pháp. Việc trang bị cho người học kiến thức nền về pháp luật của hệ thống thương mại thế giới WTO, thiết chế thương mại khu vực mà Việt Nam là thành viên như ASEAN (đặc biệt trong bối cảnh sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015), hay Hiệp định Hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), pháp luật thương mại của các đối tác quan trọng của Việt Nam như: EU, Nhật Bản, Hoa kỳ .v.v..., cũng như pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế là những vấn đề có tính cấp thiết của xã hội.
Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, ngoài kiến thức chuyên môn đã được trang bị đầy đủ và chất lượng, từ năm 2016, sinh viên sẽ được bố trí học thêm 03 tín chỉ “Kỹ năng mềm - Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp” (do Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo GBI Quốc tế thực hiện). Vì vậy, sau khi tốt nghiệp với kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, sinh viên sẽ có cơ hội rất lớn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Luật Thương mại quốc tế và có thể công tác tại các cơ quan như sau: Các tổ chức quốc tế tại các nước và tại Việt Nam với công việc liên quan đến lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế; Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư; Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, công ty luật hoặc công ty tư vấn chuyên về pháp luật thương mại quốc tế với vai trò là luật sư.