Giới thiệu về Trường Đại học Luật TP. HCM

+ Tên tiếng Việt: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

+ Tên tiếng Anh: Ho Chi Minh City University of Law

- Cơ quan/Bộ chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo

+  Logo:

+ Solgan: “SÁNG TRI THỨC  - VỮNG CÔNG MINH”

 

Cơ sở 1: Số 2 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: (028) 39400989 - Số fax: (028) 38265291

Cơ sở 2: 123 Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: (028) 62838141

Cơ sở 3: Phường Long Phước, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

- Cổng thông tin điện tử (website): https://www.hcmulaw.edu.vn

- Fanpage: https://www.facebook.com/hcmulaw/

- Quyết định thành lập: số 1234/GD&ĐT ngày 30/3/1996 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

- Ngày truyền thống: 30/3

- Loại hình trường: Công lập

* Quá trình hình thành và phát triển

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là trường đào tạo luật hàng đầu ở khu vực phía Nam, đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu để góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực.

Website Đại học Luật TP.HCM là nơi cung cấp thông tin chính thức của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Trường; các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với Nhà trường.

Quá trình hình thành và phát triển:

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh được chính thức thành lập vào 1996 - với tư cách là một trường độc lập. Trường được hình thành và phát triển ban đầu từ Trường Cán bộ Tư pháp khu vực phía Nam. Trường Cán bộ Tư pháp khu vực phía Nam được Ủy ban Pháp chế Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập tháng 5/1975, là đơn vị do Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp quản lý. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ tư pháp, đặc biệt là cán bộ tòa án cho các tỉnh phía Nam.

Ngày 16/10/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 199-QĐ/ĐT về việc thành lập Trường Trung học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cán bộ tư pháp trước đây. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp pháp lý.

Từ năm 1983 – 1988, Trường phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội mở lớp đại học pháp lý.

Ngày 25/12/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 357-CT về việc thành lập Phân hiệu Đại học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tư pháp. Phân hiệu có nhiệm vụ phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đào tạo cán bộ có trình độ đại học pháp lý cho các tỉnh phía Nam.

Ngày 06/7/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TC về việc đổi tên Phân hiệu Đại học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh thành Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Ngày 10/10/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg tách Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có chức năng đào tạo cán bộ pháp luật và là một trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề luật lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.

Ngày 04/04/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg xác định Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là một trong hai Trường Đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước (cùng với Trường Đại học Luật Hà Nội).

Ngày 18/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua một chặng đường phát triển, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn ở khu vực phía Nam. Trong xu hướng đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, yếu tố cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo nói chung và trong đào tạo ngành luật nói riêng đặt ra cho Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh yêu cầu bắt buộc phải đổi mới để phát triển, phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đủ các trình độ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có những chiến lược, sách lược, kế hoạch tập trung mọi nguồn lực xây dựng Nhà trường trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo về pháp luật ở phía Nam. Trong những năm qua, Nhà trường đã cố gắng từng bước khẳng định thương hiệu trong quá trình xây dựng mô hình phát triển và nâng cao chất lượng của giáo dục đại học thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực ngành luật có chất lượng cao cho các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp và các doanh nghiệp, kể cả các cơ sở giáo dục có đào tạo chuyên ngành luật và không chuyên luật; sớm hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực và thế giới. Theo đó, sẽ mở ra cơ hội tăng tốc đầu tư và phát triển Nhà trường trong giai đoạn trước mắt cũng như hướng phát triển lâu dài trong tương lai.

Những định hướng trên của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, Chính phủ. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”. (Trích “Đề án xây dựng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo về pháp luật”).

* Sứ mạng:

“Xây dựng Trường ĐH Luật TP. HCM trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước và trong khu vực, nhằm cung cấp nguồn lực có trình độ từ trung cấp đến đại học và sau đại học trong lĩnh vực pháp lý cho các địa phương và các bộ ngành; góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý của cả nước nói chung và của các tình phía Nam nói riêng”

* Chiến lược phát triển:

Theo đề án quy hoạch phát triển tổng thể Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Trường đã xây dựng chiến lược phát triển:

- Xây dựng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đạt tiêu chuẩn và có chất lượng cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

- Trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu bao gồm cả nghiên cứu khoa học cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, phù hợp với từng loại hình đào tạo khác nhau, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý của cả nước và địa phương.

- Trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị tiên tiến nhằm tạo ra môi trường sư phạm tốt cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt, đảm bảo áp dụng được những thành tựu và phương tiện mới vào đào tạo và nghiên cứu, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với phục vụ cộng đồng, có quan hệ quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt, đầu tàu, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo luật ở các tỉnh phía Nam.

- Đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu để góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực.

 

   Cơ sở vật chất đại học luật TPHCM  Học bổng  Hỗ trợ sinh viên